Friday, February 2, 2024

Phạm Thị Quế - 30 Tết năm 1972 (Từ Tân Hợi sang Nhâm Tí)

BA MƯƠI TẾT NĂM ĐÓ!

30 Tết năm 1972 (Từ Tân Hợi sang Nhâm Tí)

Quế Hằng

(Bây giờ già hay ôn nghèo, kể khổ các cụ ạ. Nhỡ Phật tổ gọi đi lại không kịp khoe.)

Lên khỏi ruộng chúng tôi rét run cầm cập. Một tay vịn vào bờ tre, một tay dắt nhau rồi rồng rắn lần mò về nhà.

Con đường làng lâu ngày không đắp lại, bị xói mòn đã mất hết đất phía mía mương nên trơn và dốc. Nếu không dắt nhau và vịn vào bờ tre thì lao cả xuống con mương. Đúng là “tối như đêm ba mươi”.

Ba mươi Tết năm đó còn hợp tác xã, tôi mới chớm 18 tuổi là lao động chính trong nhà. Các anh tôi, người đi bộ đội, người công tác xa. Mẹ tôi khi đó đã gần 60 tuổi nhưng vẫn là lao động chính.

Họ đã nhổ rất nhiều mạ. Ba mươi Tết rồi nhà ai chẳng bận. Nên bà tổ phó quyết chia mạ cho các lao động để cấy. Nhà tôi có 2 người đàn bà, thế là phải nhận 2 xuất bằng 60 cái mạ. Mẹ tôi thì không thể đi cấy được - bà trưởng họ phải đánh vật với một đống thịt lợn vừa mổ xong hôm qua, còn chưa sơ chế. Biết thân biết phận, nên mới mờ sáng tôi đã đi cấy vì 1 mình phải gánh 2 xuất.

Mẹ tôi nhét cho nắm cơm để ăn trưa. Sướng quá hôm nay được ăn cả thịt nữa! Tôi yên tâm lắm. Hùng hổ tưởng mình là anh hùng xơi tái 60 cái mạ.



Đến gần tối, ai lấy đều muốn sụn xuống ruộng. Nhưng chưa hết mạ nhất định không ai bảo ai vẫn phải cấy. Tối mịt rồi nhưng dưới ruộng nước mênh mông ngập đến đầu gối. Theo phản xạ vẫn cấy được. Khi họ xong hết rồi tôi vẫn còn khoảng 15 cái mạ. Mỗi người hộ 1 cái. Cuối cùng cũng xong rồi cùng về.

Về đến nhà tôi lao vào bếp chân còn nguyên bùn đất tôi nằm lăn ra bếp. Mẹ tôi cuống cuồng mồi thêm rạ vào lửa cho hơi bếp ấm hơn và sai thằng em rửa chân cho tôi. Tôi run cầm cập. Bà lấy củ gừng giã, xoa khắp người tôi. Một lúc sau tôi hoàn hồn. Mẹ tôi cho tôi ăn chiếc bánh chưng nhỏ. Tôi biết chưa ai được ăn, tôi sướng lắm.

Thế mà chỉ bốn ngày sau đó tôi lấy chồng đấy. Tôi vẫn trẻ con như thế đấy.



Tôi cưới ngày mồng bốn Tết. Một cô dâu vừa trẻ con vừa người lớn phải không các cụ.

Quế Hằng. 3/ 2/2024 (sau 52 năm cái Tết năm ấy)

Friday, December 22, 2023

Phạm Thị Quế - Thực đơn khỏe

Sau khi vào Đà Nẵng được ít ngày thì tôi ốm. Nói chung ốm lay lắt từ hồi tháng 2 sau khi giỗ ông Sinh. nặng cảm nôn suốt gần 2 ngày.

Sau đó nghĩ là sẽ khỏe dần nhưng cứ lay lắt ốm. Đau dạ dầy mất 1 tuần. Có thuốc đặc trị ko đau nữa. Nhưng đến hàng tháng sau ko dám ăn gì. Chỉ ăn được bánh mỳ loại thật ngon. Khoảng hơn tháng sau mới bắt đầu ăn cơm và thức ăn. Sau đó bắt đầu tích cực uống sữa gần như ăn rất ít uống sữa và làm bột ngũ cốc để uống.

Mấy tháng nay món ăn chủ đạo là sữa. Bây giờ nói chung khỏe bình thường. Có đau vì co cơ ở lưng và cổ do thoát vị địa đệm khớp cổ.

Thức ăn hàng ngày của bà Quế.

Sáng. 

1 thìa bột sắn

1 thìa sâm

2 môi sữa can xi

2 thìa bột ngũ cốc

1 viên go lu co sa min

1 viên can xi

1 viên dãn cơ

Khoảng 20 viên nghệ nén


Bữa trưa . 

1 chút rau 

1 miếng bí đỏ 

1 miếng khoai lang. đun chín say làm Sinh tố.

1 bát cơm và thức ăn.

 Bữa tối

3 thìa bột ngũ cốc và 3 muỗng sữa.

Hoa quả sữa chua thèm là ăn ăn suốt ngày.

Xem chừng công thức này rất hiệu quả người khỏe dần lên. Người vui vẻ.

Saturday, December 16, 2023

Hồi ký bà nữ sĩ

 Ở Chí Linh có 3 năm thôi  mà tôi phải chuyển 4 cái nhà. Thực ra nhà có cái gì đâu chỉ có 1 ít chăn màn quần áo bát đũa. Có taì sản to nhất là chiếc máy khâu. Đi đâu cũng mang đi để chống đói.

Ông Hà Xuân Sinh Đang là trưởng phòng kỹ thuật lương bổng cao. Bà Phạm Thị Quế lấy ông Sinh ngày 4 tết năm 1972

Bà ở nhà chồng làm ruộng đến tháng 8 năm 1972 bà vào Nhà anh trai chồng là ông Hà Phương để học nghề thợ may. Tiếng ở nhà ông Phương để học nhưng suốt 6 tháng chỉ ngồi vào máy khâu khoảng gần nửa tháng. Còn phải tham gia làm kinh tế. Vì nhà ông phương rất nhiều việc. Cho đến khoảng tháng 3 năm 1973 ra Hà Nội học tiếp khoảng 2 tháng lúc này mới chuyên tâm vào học thực sự. Đến khoảng tháng 5 năm 1973 hỏi thăm đường để ra cẩm phả thăm chồng. Sau này tôi sẽ kể về vụ thăm chồng. Lúc này đã mang thai Hà Nam Ninh.

Chưa có công ăn việc làm, 1 /1 năm 1974 Sinh Hà Nam Ninh  rồi 18 / 3/ 1976 sinh Hà Minh Huế ở nhà trông con có chiếc máy khâu.
Trong 3 năm ở cẩm phả, đẻ 2 đứa con ko công ăn việc làm tôi ở nhà trông con có chiếc máy khâu và tay nghề vừa học xong tậm tịt. Vốn sống ngây thơ của một người mẹ 20 tuổi. Vừa trông con nội trợ và cơ bản là vá mông đít cho công nhân.
Đến khoảng  tháng 5 năm 1976 Ông Hà Xuân Sinh có quyết định làm hiệu phó trường công nhân kỹ thuật địa chất.  Quyết định và con người thế thôi tất cả chưa có gì ko nơi nào trả lương. Cơ quan mới chưa có gì cơ quan cũ ko trả lương nữa. 4 con người may mà ko chết đói. Đến 4 tháng sau mọi thủ tục cơ quan mới mới tạm xong. Mua được khu đất ở chí linh. Và mọi người mới có lương. Khoảng tháng 9 năm 1976 lên Chí Linh Hải Dương.

Tuesday, October 17, 2023

Lá số Tử Vi có quy định cuộc đời của bạn không?

Lá số Tử Vi có quy định cuộc đời của bạn không?

Tôi dám cá rằng: Câu hỏi trên không có ai có thể trả lời được một cách chắc chắn.

Những người giỏi về Tử Vi hẳn sẽ nghiêng về câu trả lời KHẲNG ĐỊNH, nhưng họ có chắc chắn khẳng định 100% không?

Những người ú ớ, cái gì cũng tin, thì mơ mơ hồ hồ, bữa nay thì sẽ KHẲNG ĐỊNH 100% lá số Tử Vi là chánh xác. Nhưng mai, nếu gặp một tay phản biện cừ - thì lại nghi ngờ chính mình.

Những người khác - những vị tu khổ hạnh chẳng hạn - hẳn sẽ chẳng quan tâm đến Tử Vi nói gì.

=====

Có thể Tử Vi là một bài toán chưa đầy đủ về Nhân Quả chăng? Những người nào đó từ rất lâu rồi (chục ngàn năm trước) đã nhìn thấy cách vận hành của quy luật Nhân Quả và cố gắng mô phỏng lại bằng một bài toán đơn giản qua lá số Tử Vi.

=====

Nếu chúng ta cứ đi theo cái mà Tử Vi đã vạch sẵn thì có lẽ ta sẽ hoàn toàn giống như Tử Vi đã hoạch định.

=====

Cuộc đời chúng ta bị ô nhiễm bởi rác là chính!

Thậm chí có rất nhiều thứ được đưa vào sách giáo khoa - tưởng là tinh hoa - mà cuối cùng lại nhận chân ra là rác.

Rác nó ô nhiễm vào Tâm Thức một cách tự nhiên, ta hồn nhiên không nhận biết.

Và những thứ rác đó lại bản năng dẫn dắt chúng ta trong mọi sự đường đời.

Tờ Kinh Số 1 dạy về Sự Kiên Trì Để Thay Đổi Thói Quen có đoạn: 

"Khi lớn lên tôi là nô lệ của thói quen. Tôi để mặc ý chí của mình tự do trôi nổi không giàng buộc. Và hấp thụ những thói quen xấu. Dẫn dắt tôi đi vào con đường hèn mọn, gập ghềnh. Hành động của tôi bị chi phối bởi phản ứng từ những cảm xúc nhất thời như Tham Lam, Thành Kiến, Dèm Pha, Sợ Hãi, Thèm Muốn và Say Mê.

Chính vì vậy tôi phải cần niệm kinh liên tục để những dòng chữ của Thói Quen Tốt thấm sâu vào tiềm thức.

Định Luật Thiên Nhiên dạy rằng chỉ có một thói quen mới mới có thể thay thế một thói quen cũ."

=====

Thói Quen Tốt sẽ hoạch định lại cuộc đời của bạn, không phải là Tử Vi.

=====

Điều đầu tiên trong cuộc đời mọi người vẫn nói: "Hãy yêu thương bản thân mình trước!" - Chưa nói những gì cao cả. Bạn sẽ chẳng làm được gì cho những người thân, nếu bạn chưa biết yêu thương bản thân mình.

=====

Tờ Kinh Số 2 dạy về Thói Quen Yêu Thương, trong đó có câu:

"Tôi sẽ tìm đủ mọi lý do để khen ngợi, và không tìm kiếm lý do để chê bai, dèm pha, nói xấu.

Tôi sẽ nói thật to khi thấy muốn khen ngợi, và tôi sẽ giữ im lặng khi thấy muốn phê bình".


Mình liên tục tụng kinh đọc đi đọc lại trong não một cách âm thầm cái câu ấy mọi lúc mọi nơi. Khi rửa bát, lúc đi bộ, etc.

Thế nhưng như đã nói ở trên, cái sự ôm nhiễm rác tự nhiên nó có một sức mạnh rất tiềm ẩn. 

Mỗi khi mình đọc đến chỗ "Tôi sẽ giữ im lặng khi thấy muốn..."

Thì

Hai từ sau đây tranh nhau nhảy ra:

"Phê Bình"

"ăn tiền"

Vì trong xã hội tồn tại câu:

"Ngậm miệng ăn tiền"

Đó, sức mạnh của Nhân Quả, của Tử Vi không hề dễ dàng mà vượt qua!

Khó khăn lắm!

Nhưng thấy khó thì đừng làm thì cuộc sống đành xuôi tay hay sao?

Thay đổi Thói Quen sẽ hoạch định lại cuộc đời của bạn - Không phải Tử Vi!

=====

Quy Luật Nhân Quả là Vũ Trụ, vô minh như người viết bài này thì không thể nhìn thấy.

Đấng Giác Ngộ đã thấy, Phật có nói sơ qua về cái đó. Nhưng Phật không chú trọng đến nó, vì nó không phải là mục đích của con đường mà Phật dạy.

Tử Vi là một bài toán có thể là để mô phỏng lại Quy Luật Nhân Quả, và đương nhiên Tử Vi là Kiến Thức do tác giả là con người. Kiến Thức thì đương nhiên không thể mô tả được chính xác về Vũ Trụ.

Kinh Sách cũng chỉ là Kiến Thức được ghi chép lại để mô phỏng Nhận Thức của Đấng Giác Ngộ về Vũ Trụ. Các bài Pháp Thoại lại là Sự Diễn Giải Lại Kiến Thức Kinh Sách, nên nó không thể mô tả chính xác Nhận Thức của Đấng Giác Ngộ.

Đạo là con đường. Mà con đường là để đi không phải để lải nhải tranh luận hay diễn giải.

Đấng Giác Ngộ dạy con đường cho mọi chúng sanh, chứ không phải là dành riêng cho giới tinh hoa, nên hẳn con đường đó rất đơn giản. Do vậy mọi hành vi làm cho con đường thành cao siêu khó hiểu đều là đi ngược lại với Phật.

Và Phật nói: Con đường đấy, nó như vậy, đi đi rồi tự chứng.

Do đó nếu đi theo con đường, thì sẽ đến lúc bạn thấy không cần nghe giảng nữa, lúc đó bạn đã bắt đầu đặt một chân lên con đường.

Vậy thì bước đi tiếp thôi.

Tuesday, May 30, 2023

Dung hòa giữa PHẤN ĐẤU và BUÔNG XẢ là một nghệ thuật không dễ

Sống ở đời, ai cũng nên cần phải PHẤN ĐẤU, nếu sống mà không phấn đấu, thì chỉ là đứng cho chật đất mà thôi.

Nhưng ở phía ngược lại, chúng ta cũng cần phải biết BUÔNG XẢ, vì 99% sự kiện trong đời ta là không như ý ta muốn.

Lấy một ví dụ điển hình mang tính thời đại: Ai ai cũng khẳng định "Biến đổi khí hậu là hậu quả của phát thải CO2".

Một số kẻ quyết tâm làm biến mất CO2 (dẫn đầu nhóm này là O-ba-ma): Họ đưa ra khẩu hiệu "triệt thoái việc khai thác, buôn bán và sử dụng tất cả các loại dầu mỏ và khí đốt".

Ở phía ngược lại, sống thực tế (dẫn đầu nhóm này là Trump): Họ khẳng định tội phạm của biến đổi khí hậu không phải 100% là CO2, thậm chí CO2 chỉ đóng góp chưa đến 10% vào việc biến đổi khí hậu.

Đức Phật Thích Ca lúc xưa là một Thái Tử, ngài cũng có vợ con và cuộc sống vật chất cực kỳ sung mãn. Rồi ngài đi tu theo nhóm những người tu khổ hạnh suốt 6 năm liền không đạt kết quả. Đến khi ngài tự tìm ra con đường trung đạo thì chỉ cần 49 ngày là ngài giác ngộ.

Do đó, chúng ta cũng cần tìm con đường trung đạo cho riêng bản thân mình. PHẤN ĐẤU nhưng cũng phải BUÔNG XẢ! Cố gắng để lấy được cái mình muốn không phải là một THÀNH CÔNG. Đôi khi quay mặt đi với cái mình muốn lại là một thành công.

Dưới đây là một câu chuyện sưu tầm trên internet:

1. Có lần mình bay với 1 ông khách Thuỵ Điển, thủ tục xong thì nghe thông báo máy bay chậm 4 tiếng. Hầu hết hành khách lo lắng bồn chồn, chạy tới quầy hỏi, rồi thở dài, bắt đầu to tiếng. Mình cũng không ngoại lệ, 4 tiếng đồng hồ ngồi chờ đó, lòng cứ khó chịu, chê ông giám đốc hãng hàng không tham lam, mắng nhân viên mặt đất vô trách nhiệm và nhắn tin với mọi người và đăng lên mạng xã hội (MXH) đại loại "khộ quá khộ, lại "delay", lần sau không đi hãng này nữa". Quay nhìn thì thấy ông Thuỵ Điển vẫn bình thản đọc sách, thậm chí không nhìn đồng hồ. Khi lên máy bay, ông nói với mình là "nhờ máy bay "delay" mà tao đọc hết cuốn sách này, thật thú vị". "Oh my god! Trời Đất!"

Mình tuôn 1 tràng về chuyện cái hãng chó chết (dead dog), gọi xách mé là "delay airlines" cho hả hê. Mình dùng hết mọi từ vựng trong giáo trình "thobiology" (thô bỉ học) để trút giận. Ông Thuỵ Điển nói, mày tức giận chi vậy, mày có chửi hơn nữa thì máy bay cũng không thể bay sớm. Trễ thì mình xoay sở kiểu trễ. Ví dụ gọi lại xin cái lịch làm việc mới với đối tác. Nếu đối tác không thông cảm thì đối tác đó cũng không xứng đáng để làm cùng, tương lai sẽ tìm đối tác khác tốt hơn, biết thông cảm hơn. Cùng 4h đồng hồ đó, tao vui vẻ, mày tức giận. Trong cuộc đời tao và cuộc đời mày, sẽ có hàng ngàn khoảnh khắc "4h delay" như vậy, phản ứng của mình sẽ thể hiện CHẤT LƯỢNG cuộc sống. Mày nói tẩy chay hãng này là nóng giận tức thời thôi, chứ vài tháng nữa, nó rẻ hơn hãng khác 100,000đ thì mày cũng thức đêm ngồi canh vé đi à. Mình thề là không thèm, "free" cũng không đi (2 tuần sau, mình lại "book" tiếp hãng này vì nó rẻ hơn hãng khác 50,000 đồng, lên sân bay vẫn chụp hình cười khí thế, não cá vàng mà). 

Trên máy bay, khi tiếp viên phục vụ không niềm nở, bực. Thức uống không "free" mà bán, vào "toilet" thì người trước quên xả nước rất hôi, bực. Khi xuống máy bay, đi "taxi" về công ty, kẹt xe, bực. Trên phố, mỗi người 1 chiếc xe máy đâm chéo qua chéo lại, leo lên lề, còi xe bóp inh ỏi... vì quá nhiều xe trên đường, ai cũng muốn đi nhanh hơn, bực. Mình ngán ngẩm, buộc miệng chê mấy câu về đường sá, nói tại không chịu mở rộng, tại quy hoạch bất cập, tại dân chạy ẩu, người nhập cư gì mà nhiều, ...

Ông Thuỵ Điển nói mày suy nghĩ tiêu cực quá. Chính mày, cha ông mày, ba mẹ mày cũng nhập cư đến T.P. này, đường sá thì có mở rộng mãi được đâu. Chính mày đã mua 2 chiếc xe máy và 1 chiếc ô tô, cái nhà cũ đã chia tách thành 3 căn, mặt tiền nào cũng biến thành hàng quán cửa hàng... thì chính mình đã xây dựng nơi mình sống như thế. Đất hoang, tao thấy rất nhiều cây cỏ trên đó, tự dưng đi lấp rồi phân lô bán, ai mua được lô đất thì cười hỉ hả, xong đi nói người khác về việc mất rừng và bảo vệ môi trường. Có nhà đẻ 3~4 đứa con, nhân 3~4 lên vậy thì tài nguyên phải bị mất dần chứ, vài năm nữa thì 4 đứa con đó lái xe ra đường, rồi nó lập gia đình với 4 người từ nơi khác tới nữa, thì chính mày tăng đến 8 người ra đường. Ham ăn, ham đẻ, ham đất đai nhà cửa, ham xe cộ vật chất... thì phải chấp nhận cảnh giành giật nhau từng m2 đường giao thông, giành nhau chỗ học, chỗ ăn, chỗ ngủ. Mọi thứ do mình cả thôi. 

Mình ngẫm nghĩ rất lâu, biết là mình lớn lên từ văn hoá Việt, xuất thân nghèo khổ nên nhìn thấy tiêu cực nhiều hơn mặt tích cực. Khi thấy trái ý là tức giận, ăn nói thô tục, không văn minh, tự thấy thật hổ thẹn. Nhớ lại các chuyến đi du lịch với đoàn khách Việt Nam, chưa có chuyến đi nào vui vẻ. Khách phàn nàn liên tục vì nghĩ đã bỏ tiền ra, phải được hầu hạ như thượng đế, và tưởng tượng lung linh quá, trong hình người ta "photoshop" chứ thực tế đâu có cảnh nào đẹp cỡ vậy. Từ lịch trình đến hướng dẫn đến đồ ăn đến điểm đến, cứ có khách Việt là có sự phàn nàn, tiếc tiền, các bạn đi du lịch đoàn hay làm hướng dẫn viên sẽ hiểu rõ cái này. Cứ mua hàng là chê mắc, vì làm ra ít tiền quá nên không có sự hào sảng phóng khoáng và sang trọng. Lo tranh đấu với công ty du lịch về mấy cái con con tiểu tiết nên không có tâm trí thưởng thức cảnh đẹp và văn hoá địa phương. Lúc đó toàn tức tối "tao phải làm cho nó dẹp tiệm", đăng đàn bắt bạn bè chia sẻ khắp cho nó biết mặt, mất uy tín cho nó sợ, với danh nghĩa là "không để người khác tốn tiền như mình". Phải mất chục năm sau, khi đầu óc trưởng thành, mình mới tiếc nuối là đã từng ngốc nghếch và vớ vẩn. Chính mình đã phá hỏng những "khoảnh khắc 4h" của cuộc đời mình. Gửi bạn bè xem hình đi du lịch, cái nào mặt mũi cũng xấu xí, nhăn nhó.

2. Có lần mình thử đi 1 tour ở châu Âu với khách Âu, chỉ có mình và 1 gia đình người Việt kia, thấy khác hẳn. Máy bay "delay", họ lấy sách ra đọc. Tài xế đi sai đường, họ nói "wow, nhờ đi sai mà tao thấy được nhiều cái hay và lạ trên đường, tao rất thích." Đồ ăn không hợp khẩu vị, họ nói để tao "challenge, cả nhà cùng nhau thử thách ai ăn hết được 10 điểm", cười vui rộn ràng. Đi cơ quan công quyền ở đâu cũng quan liêu hết, thấy cô nhân viên hành chính nhăn nhó, quay qua bảo nhau "chắc hôm nay cô ấy đèn đỏ, đau bụng nên thông cảm, hỏi thăm giúp cô ấy vui vẻ lên đi". Họ luôn miệng xin lỗi, cám ơn, chúc 1 ngày vui vẻ, tôn trọng cảm xúc của nhau để giúp nhau có được "1 good day". Họ giải thích mọi thứ theo hướng tích cực, nên tự động có chất lượng cuộc sống rất tốt. Riêng gia đình người Việt trong đoàn thì khác. Bà vợ quên cái kính mát ở khách sạn, mà hôm đó đi biển, lớn tiếng chửi chồng sao không nhắc em. Ông chồng, lúc lấy điện thoại ra chụp cảnh thì thấy hết pin do thằng con chơi "game", ông liền chửi thằng con. "Group viber" để mọi người chia sẻ ảnh đẹp lên đó thì thấy mỗi gia đình họ là "post" ý kiến chê bai đủ thứ lên đó, 30 người còn lại ái ngại vô cùng, không rõ vì sao mà cái "ego" của họ lớn đến vậy, cố gắng "show off" là mình cao cấp hơn, đến độ anh hướng dẫn nói họ là "they are the king and the queen of complaints, vua và nữ hoàng phàn nàn". Món ăn nào họ cũng chê là nhạt nhẽo, ly này ngọt quá, ly kia sao lại không có đường ai uống cho vô... và bà mẹ luôn gào thét vì bắt thằng con phải thế này thế kia cho đúng ý. Mấy người Tây nhún vai nói: "bà mẹ châu Á luôn là "a shouting mom", tức bà mẹ hay la. Cũng chương trình du lịch y chang nhau, người xem là thiên đường để "enjoy", người tự biến thành địa ngục để đày đoạ, to tiếng. 

Cùng một cơn mưa, người tiêu cực sẽ bực mình vì phải đi áo mưa, người lạc quan thì nghĩ đến cây cối sẽ được xanh tươi, không khí sẽ được trong lành. Nắng nóng gay gắt là cơ hội để tiêu diệt mọi mầm vi khuẩn vi rút và nấm bệnh trong không khí, có tiền mua điều hoà sẽ thoải mái, không có thì cố làm cho có tiền để mua. Sau lũ lụt, phù sa sẽ màu mỡ hơn cho cánh đồng, sâu bọ sẽ bị quét sạch ra biển, dư lượng hóa chất trong đất đai sẽ bị rửa sạch. Lỗi lầm của người khác (do mình nghĩ vậy thôi chứ chưa chắc đó là lỗi lầm của người khác), thay vì giữ trong lòng và tức giận, thôi bỏ qua, mình sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều, vì sự thoải mái của mình trước đã. 

Trong từ Hán Việt, "nguy cơ" bao gồm nguy và cơ. Với người có tư duy tích cực, nguy (problem) họ sẽ biến thành cơ (opportunity). Người tích cực sẽ có gương mặt sáng bừng, nụ cười thường trực trên môi, sống và cháy hết mình, học tập và làm việc hết mình, không để ý cái nhỏ, cái tôi hạ rất thấp, thích nghi lại rất cao nên có thành tựu rực rỡ. Mở miệng ra là thốt lời hay ý đẹp, luôn khen, nếu không nói lời tử tế được cho nhau thì họ im lặng. Còn người tiêu cực, có thể họ có tiền, nhưng họ không bao giờ có 1 cuộc sống chất lượng và có thành tựu lớn, vì cảm xúc tiêu cực đã chiếm hết quỹ thời gian trong đời họ. 

Với 1 cốc nước, có người nhìn thấy "nước chỉ còn 1 nửa", và uống với cảm giác chán chường. Có người sẽ thấy "ối, còn tới cả nửa ly nước" và uống với tâm trạng vui vẻ. Cũng nhiêu ml nước đó vào cơ thể, nhưng 2 tâm trạng khác nhau. 

Bạn có thoát được văn hoá phàn nàn và tiêu cực để thưởng thức cuộc sống không? Hay vẫn để tiền bạc chiếm hết tâm trí và lúc nào cũng khó chịu nhăn nhó, làm mình làm mẩy, thượng đế phải được thế này thế kia. Nếu vậy thì bạn quan trọng giá cả hơn giá trị, và tự làm hỏng quỹ thời gian cuộc đời mình!

Người có chỉ số hạnh phúc cao sẽ nhìn mọi thứ ở góc độ khác nhau. Nếu ông khách Thuỵ Điển là 10 điểm ở chỉ số hạnh phúc, vậy bạn tự cho mình là bao nhiêu?

Sunday, May 28, 2023

Nói với các con về Tập Thiền

Đầu tiên các con hãy đọc đoạn chát này của bà nội.



Chúng ta chưa nói đến cái Thiền của các vị cả đời tu hành. Muốn đạt được đến cái Thiền đó, chúng ta phải tập từ rất sớm, tập từ khi não còn sạch sẽ.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn sống ở đời, và vẫn tập được một cái thiền đơn giản nhất: Giữ Tâm ở trong Thân, loại bỏ vọng tưởng, để đạt được bình an.

Và hãy nhớ! Thiền không phải là món tập chơi để người già giải trí. Mọi lứa tuổi đều có thể bắt đầu tập thiền. Vì loại bỏ vọng tưởng là cần thiết cho tất cả mọi người

Ba thấy rất cần phải nói ngay với các con. Vì ba sợ sau này khi các con thấy mất ngủ thì lúc đó ba đã không còn ở trên đời này nữa.

Thursday, March 30, 2023

Nhẩm trong đầu những câu niệm chú để thay đổi cuộc đời

Hà Nam Ninh tôi có nhiều thói quen xấu. Thật! Nhận ra nó đấy. Mà nhiều khi cứ phát ra ngoài rồi thì mới nhận ra.

Chẳng hạn như hôm trước có mấy người bạn đến nhà, mới uống có 1 chén rượu nhỏ mà đã tranh nhau nói, rồi tôi nói hơi to. Thế là thằng bạn thân nó nhắc "nói nhỏ thôi thì người khác mới cố gắng lắng nghe!"

Một thói quen xấu khác, hôm trước trong cuộc họp ở văn phòng công ty, ông sếp nói về một thứ mà do ông ấy hiểu hơi nhầm, thế là tôi nói "NO". Đây là thói quen xấu khá phổ biến của người Bắc Kỳ. Ở trong Nam, nói gì người ta cũng "DẠ". Còn bọn Tây Lông thì chúng nó thường nói "Yes, you are totally right! However, let me check again." (Vâng, ông nói đúng! Tuy nhiên, hãy cùng xem lại nào.") Rõ ràng cách phản ứng của Tây Lông và của người Nam khiến đối tác thấy dễ chịu hơn và muốn tiếp tục thảo luận.

Do đó tôi đã liên tục lẩm nhẩm trong não những câu niệm chú như sau:

(Những câu niệm chú này không phải do tôi nghĩ ra, đây là những tích lũy và cải tiến của những cao nhân nhiều thế hệ tiếp nối)

Chúng ta là những người bình thường nên khó tránh khỏi những thói quen xấu của bản thân và những thói quen xấu học được từ ngoài xã hội.

Tâm của chúng ta thường nhâm nhi cái ngọt ngào của quá khứ, hoặc hờn giận những đau đớn của hôm qua.

Tâm của chúng ta thường vọng tưởng những thứ thiếu thực tế vượt ngoài năng lực bản thân.

Đôi khi có những thứ chúng ta có thể làm được, nhưng chúng ta lại không dám làm mà chỉ đợi được thưởng thức kết quả như thể đợi món quà của Thượng Đế.

Hãy hiểu rằng: Quá khứ thì đã qua, tương lai thì chưa đến. Hãy sống trong hiện tại. Giữ Tâm ở trong Thân.

Lúc nhỏ tôi là nô lệ của bản năng.

Lớn lên tôi là nô lệ của thói quen.

Tôi để mặc cho ý chí trôi nổi không ràng buộc, tích tụ những thói quen xấu, để rồi những thói quen đó tự do hoành hành.

Tiềm thức là một vũ trụ, tôi không bao giờ thấu hiểu, nhưng nó chứa đựng những quyền lực cực mạnh, ảnh hưởng tổng thể đến hành động của tôi.

Những hành vi xấu của tôi khiến cho người khác mất vui, buồn, thậm chí đau khổ.

Vì vậy tôi cần liên tục lẩm nhẩm những câu niệm chú này trong não để chúng thấm sâu vào tiềm thức.

Để xua đuổi những thói quen xấu và thay thế chúng bằng những thói quen tốt.

Tôi sẽ đọc toàn bộ những câu niệm chú này sau khi thức dậy mỗi sáng, và đọc trong thầm lặng.

Sau bữa trưa tôi sẽ đọc lại toàn bộ những câu niệm chú này, cũng đọc trong thầm lặng.

Buổi tối trước khi đi ngủ tôi sẽ đọc to tất cả những câu niệm chú này.

Khi phản ứng với người đối thoại, khi tôi không đồng tình với họ, tôi sẽ nói "YES" VÂNG, tôi sẽ loại bỏ từ "NO" KHÔNG ra khỏi vốn từ vựng của mình.

Tôi sẽ tìm đủ mọi lý do chính đáng để khen ngợi. Tôi sẽ không tìm kiếm lỗi để bới móc, chê bai, bàn tán thị phi.

Tôi sẽ ngậm miệng khi muốn phê bình, tôi sẽ nói lớn lên khi muốn ngợi ca.

Tôi sẽ chấp nhận sự khác biệt. Tôi sẽ không áp đặt ý kiến chủ quan của mình cho người khác. Tôi sẽ hạn chế tranh luận, bởi những gì tôi biết là rất ít và vô cùng phiến diện.

Tôi sẽ làm chủ cảm xúc, tôi sẽ không nóng nảy và bị cảm xúc dẫn dắt.

Tôi sẽ không nhẫn nhịn, tôi sẽ buông xả.

Tôi sẽ sống hạnh phúc ngay bây giờ như thể ngày hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời. Tôi sẽ không than vãn về những chuyện đã qua. Tôi sẽ không mong ngóng điều gì ở ngày mai.

Tôi sẽ cho đi và không suy nghĩ gì nữa về cái mà tôi đã cho đi.

Tôi sẽ tập thiền để giữ TÂM ở trong THÂN, tôi sẽ không để TÂM chạy theo những vọng tưởng. Có nhiều cách để tập thiền. Một cách là liên tục nhận biết hơi thở tự nhiên của chính mình.

Phạm Thị Quế - 30 Tết năm 1972 (Từ Tân Hợi sang Nhâm Tí)

BA MƯƠI TẾT NĂM ĐÓ! 30 Tết năm 1972 (Từ Tân Hợi sang Nhâm Tí) Quế Hằng (Bây giờ già hay ôn nghèo, kể khổ các cụ ạ. Nhỡ Phật tô...