Sunday, May 8, 2022

Hà Minh Huế - Bố kể chuyện cho tôi bằng ảnh

 

Hà Minh Huế - Bố kể chuyện cho tôi bằng ảnh

Những bức ảnh ngày xưa…



Bây giờ muốn có một bức ảnh chỉ cần cầm điện thoại lên nháy một cái là xong.

Nên chắc người trẻ bây giờ ko thể hình dung việc chụp ảnh hồi xưa khó như thế nào.



Cách đây tầm mấy chục năm, ko hiểu sao ở cơ quan của bố có hẳn một chú có máy ảnh xịn và thích chụp ảnh cho mọi người. Nhà có dịp gì quan trọng là bố sẽ nhờ chú Hương đến chụp ảnh. Chụp bằng phim nên mỗi lần chụp tấm nào là phải chắc tấm đó, phim mua cũng tốn tiền lắm. Chụp xong phải rửa ảnh, chú ấy cũng tự rửa luôn, giấy ảnh chắc cũng tốn tiền. Bố chọn rất kỹ 1, 2 bức quan trọng mới phóng cỡ to. Ví dụ như là ảnh ngôi nhà mới khánh thành, hay ảnh hai bố mẹ hồi trẻ.

Có đợt, tôi tầm 9 tuổi, nhân dịp mẹ sinh em bé, Bố về đón ông bà ngoại và bà nội ra nhà tôi ở QN ra chơi. Vì là dịp hiếm, Bố lại nhờ chú Hương chụp cho vài kiểu ảnh, cho cả gia đình. Sau khi có đủ bộ ảnh của các ông bà nội, ngoại, (Ông nội mất lâu rồi, nhưng may có một cái ảnh duy nhất của ông chụp với các con), Bố mời người về vẽ truyền thần các cụ từ ảnh thành ảnh truyền thần. Chắc vì lúc chụp ông, bà ko mặc áo dài cầu kỳ, nên muốn đẹp phải vẽ truyền thần. Người vẽ sáng tác thêm áo dài khăn vấn và cầm quạt. Nhìn các bà đẹp đài các như quý tộc, còn ông nhìn như thày đồ đội khăn xếp. Người ta đến ăn ở tại nhà đến mấy tuần mới vẽ xong mấy bức ảnh. Bố nhờ họ vẽ và chép thành mấy bộ để tặng ở quê và giữ tại 1 bộ. Nếu như công nghệ bây giờ chỉ mấy cái vuốt tay là xong.

Mấy bức ảnh vẽ đó được treo trang trọng và sau này làm thành ảnh thờ các cụ. Lúc đó tôi mới nghĩ ra, có khi là bố đã cẩn thận lo trước điều đó.


 

Mỗi lần có sự kiện lớn, bố thường mời chú Hương đến chụp, và mỗi người thường sẽ có một kiểu ảnh nghiêm túc chỉnh tề. Bố cẩn thận giữ ảnh vào album chú thích năm chụp sau ảnh hoặc bên cạnh. Nên bây giờ tôi mới biết mình dậy thì thành công khi xem một cái ảnh Huế ko thể xấu hơn hồi 7-8 tuổi.

 

Năm tôi 21 tuổi, Bố vào Gia lai làm công trình cầu đường cùng em ruột của bố là chú Trình. Tết bố về, trước khi bố đi làm lại trong đó, Bố đưa cho tôi mấy cái ảnh bảo,“Con giữ lấy, để khi còn cần…”. Lúc đó là năm 96-97, chụp ảnh đã dễ dàng hơn nhiều rồi và là ảnh màu. Trong tập ảnh có một cái ảnh bố đứng ở nhà ông chú mới khánh thành, mấy cái chụp quang cảnh công trường máy móc và gạch, đá. Có một cái ảnh, bố chụp cái cây Hoa cắm vào hộp carton, nhìn chả nghệ thuật gì cả J, mà cháu CB nhìn thấy lại khen “ồ nghệ thuật thế!!”.



Cầm ảnh, lúc đó, tôi ko nghĩ gì nhiều, chỉ thấy thương Bố, vất vả đến đâu, thiếu thốn thế nào, vẫn yêu đời, vẫn tạo được niềm vui cho mình, vẫn nhìn thấy hoa trong đất, đá. Sau này, mới cảm thấy kỳ lạ, sao lúc đó bố lại lo xa để đưa cho con gái những bức ảnh này…

Không ngờ lần đó, bố đã đi xa mãi. Khi bố mất, vì ở xa, bối rối, ko chờ được người nhà mang ảnh vào, may có Chú Trình lo toan mọi việc. Chú dùng ảnh từ Chứng minh thư của bố đi chụp lại rồi in ra. Hồi đấy công nghệ ảnh cũng vẫn còn kém. Ảnh chụp lại mờ quá, thành ra hình ảnh bố hơi khác. Vậy là công bố chụp mấy cái ảnh đẹp lại ko được dùng để thờ.

Sau này, nhìn mấy bức ảnh cuối cùng của bố, tôi cảm nhận thêm được điều bố muốn nói. Chắc là; “Đây là nhà chú Trình, khang trang đẹp đẽ như thế này. Đây là chỗ bố làm đây, cực vui và thoải mái, có đồi núi mênh mông, có các anh, em đồng đội kỹ sư, công nhân,… có máy móc, cũng tương tự công việc ngày trước bố làm. Bố ko phải làm trái nghề đâu, ko phải lo nhé. Đây bố có cả hoa trong núi đây này…” (Bố là kỹ sư xịn ngành thăm dò địa chất mà). 



Nay tìm thấy trong đống ảnh cũ đen trắng có cái cảnh rất giống với cảnh chụp năm đó. Năm đó bố mất, con cứ nghĩ rằng, giá mà bố ko phải đi làm xa vất vả, để rồi khi mất cũng một mình. Nhưng có lẽ cuộc sống là vậy, bố đã được làm công việc của mình, nghề của mình. Bố đã được sống với chính nghề nghiệp của mình và bố thuộc về những nơi đó. Và con chắc là có gene của nhà địa chất, nên có cảm xúc to lớn với vùng núi mênh mông. Một ước mơ nhỏ bé là có thể đặt chân đến hết những vùng đồi núi, nơi có dấu chân của bố.



Cảm ơn bố đã lưu giữ lại những bức ảnh thật cẩn thận, để con có thể hiểu được cuộc đời của bố, và cả một thời kỳ đã qua.


No comments:

Post a Comment

Phạm Thị Quế - 30 Tết năm 1972 (Từ Tân Hợi sang Nhâm Tí)

BA MƯƠI TẾT NĂM ĐÓ! 30 Tết năm 1972 (Từ Tân Hợi sang Nhâm Tí) Quế Hằng (Bây giờ già hay ôn nghèo, kể khổ các cụ ạ. Nhỡ Phật tô...